Giá bán này dành cho bản khóa mạng 16 GB màu xám, không bao gồm phụ kiện hoặc các gói bảo hành.
Theo thời gian, các siêu phẩm di động một thời dần giảm về mức giá trước đó khó ai tưởng tượng được. Tháng 9/2013, những chiếc iPhone 5S đầu tiên về Việt Nam được rao bán với giá tối đa 52 triệu đồng, rẻ hơn cũng khoảng 30 triệu đồng.
Sau 3 năm rưỡi, giá bán của model này giảm còn đúng 2 triệu đồng.
Những ngày gần đây, một số cửa hàng cho nhập về lô iPhone 5S bán với giá rẻ. Đây là mức dành cho bản khóa mạng 16 GB màu xám, các màu trắng hay vàng chỉ chênh lần lượt 100.000 và 200.000 đồng.
Các bản 32 và 64 GB cũng không chênh lệch lớn, lần lượt 200.000 và 400.000 đồng. Đồng nghĩa, người dùng có thể mua một chiếc iPhone 5S khóa mạng 64 GB với giá khoảng 2,4 triệu đồng.
Phần lớn các cửa hàng này cho biết số lượng máy nhập về không lớn nên không có sẵn máy để bán cho khách. Người dùng muốn mua sản phẩm giá này đều phải đặt cọc.
Nguồn cung không lớn, cộng với việc iPhone 5S hiện có doanh số không quá ấn tượng là nguyên nhân khiến các cửa hàng tỏ ra dè dặt trong việc nhập sản phẩm với số lượng lớn. Một số cửa hàng thậm chí còn thăm dò trên fanpage Facebook để đo phản ứng của người dùng trước khi quyết định nhập máy về bán.
Đại diện các cửa hàng cho biết sau vài ngày rao bán, lượng người quan tâm lớn nhưng số người đặt tiền để mua sản phẩm không quá nhiều.
Thực tế với số tiền 2 triệu đồng, người dùng chỉ có thể mua được máy trần, không phụ kiện cũng như gói bảo hành đi kèm. Nếu muốn mua thêm phụ kiện như sạc, cáp, tai nghe và gói bảo hành nguồn, màn hình trong khoảng 6 tháng, người dùng phải bỏ thêm xấp xỉ 500.000 đồng. Khi đó, mức giá của máy không còn quá hấp dẫn.
Một nguyên nhân khác khiến người dùng chưa thực sự hứng thú với sản phẩm này là nghi vấn về chất lượng sản phẩm. Các cửa hàng cho biết khách hỏi thăm rất nhiều về pin, nguồn, màn hình hoặc vỏ máy còn nguyên bản hay không. Với một sản phẩm có tuổi đời lớn như iPhone 5S, đa số cửa hàng không cam kết máy có pin và vỏ nguyên bản.
Phía cửa hàng kỳ vọng iPhone 5S khóa mạng sẽ tạo ra cơn sốt iPhone giá rẻ giống trường hợp của model 5C một năm về trước. Với số người quyết định mua máy, 2 triệu là mức giá hấp dẫn cho model có kiểu dáng đẹp, cấu hình ổn như 5S, mặc dù có một số rủi ro nhất định về chất lượng sản phẩm.
Từ thời điểm cuối 2016 đến nay, iPhone 5S có doanh số chậm tại hàng loạt cửa hàng. Các đơn vị này cho hay bản cập nhật iOS 10 khiến iPhone 5S chậm đi thấy rõ. Hiệu năng của máy, sau khi cập nhật, chỉ đáp ứng được các yêu cầu cơ bản.
Model này cũng có nguy cơ bị Apple bỏ rơi trong bản cập nhật iOS 11 năm nay. Nhiều nơi thậm chí đã bỏ mẫu, tập trung vào các dòng đời cao hơn.
iPhone khóa mạng (còn gọi iPhone lock) khá phổ biến tại Việt Nam. Đây là những sản phẩm được phân phối bởi nhà mạng một số nước phát triển. Về mặt kỹ thuật, nó chỉ có thể sử dụng SIM của nhà mạng đó. iPhone lock về Việt Nam chủ yếu là máy dành cho thị trường Nhật và Mỹ.
Để sử dụng được ở Việt Nam, người dùng phải có thêm một bản mạch nhỏ lắp bên dưới SIM gọi là SIM ghép. Khi sử dụng SIM này, người dùng gặp phải một số bất tiện, chẳng hạn không kiểm tra tài khoản bằng cách bấm phím *101# hay nạp tiền theo cách thông thường.
Một số lỗi khác của máy lock gồm lỗi danh bạ (phải lưu đầu số +84), lỗi FaceTime và iMessage, cần công cụ để khắc phục mới sử dụng được.
Video: Đứng bên đường chơi game, bị giật iPhone 5S
Bình luận